Trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường

2017-02-18

Bệnh nhân đang được điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) dễ bị mắc trầm cảm và ngược lại, những người mắc trầm cảm có nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 hơn người bình thường khác. Mối liên hệ giữa trầm cảm và khởi phát bệnh ĐTĐ một phần do tác động của lối sống thay đổi vì khi bị trầm cảm dường như người ta có xu hướng ăn nhiều hơn và vận động ít đi. Vì vậy người bệnh và bác sĩ cần lưu ý theo dõi và phát hiện các dấu hiệu trầm cảm ở bệnh nhân ĐTĐ để chữa trị kịp thời.

Khi bị trầm cảm, người bệnh ĐTĐ có biểu hiện gì?

 

 Trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường

 

Đối với người bệnh ĐTĐ, việc tự chăm sóc bản thân rất quan trọng cũng như sự hiểu biết về bệnh, những nỗ lực kiểm soát và thích ứng với căn bệnh của mình. Người bệnh ĐTĐ cần có một tâm lý thoải mái, ổn định để kiểm soát tốt bệnh. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, người bệnh có cảm giác vô vọng, cô đơn, bơ vơ, thiếu tự trọng, mệt nhọc, cáu gắt, thay đổi giấc ngủ và hành vi ăn uống. Đây là những triệu chứng điển hình mà người bệnh phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa, người có thể giúp bạn vượt qua tình trạng khó chịu này. Nhiều người ĐTĐ trải qua những giai đoạn đau buồn sâu sắc. Đó là khi mới được chẩn đoán, hay khi xuất hiện biến chứng, khi mà bạn cảm thấy mất đi sức khỏe của mình. Cùng với thời gian và với sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, bác sĩ… người bệnh có thể vượt qua được nỗi buồn đau này. Nhưng có một thực tế đáng ngại khi người bệnh thực hiện đầy đủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, nhưng đôi khi không có được kết quả mỹ mãn. Bởi tuân thủ theo mọi chỉ dẫn không có nghĩa là người bệnh được bảo đảm sẽ khỏe mạnh vĩnh viễn mà bản thân người bệnh phải nỗ lực rất nhiều, vì điều đó giúp bạn có được cảm xúc tốt hơn, vì rằng bạn đã làm hết sức mình có thể để được khỏe mạnh. Hãy nỗ lực từng ngày, từng giờ giữ cho các chỉ số trong giới hạn an toàn để tránh các biến chứng có thể có.

Tự trang bị kỹ năng để đương đầu với bệnh ĐTĐ

Khi phát hiện bản thân mắc bệnh ĐTĐ, đa số bệnh nhân có cảm giác hụt hẫng, chối bỏ bệnh tật và dễ dẫn đến trầm cảm nên điều quan trọng là mỗi người bệnh cần nhận thức rõ bệnh tật và coi đó như là thử thách mình phải đối diện mỗi ngày (hãy tự lên “giây cót” tinh thần hằng ngày), bạn cần có sức mạnh, năng lượng, sự lưu tâm, cũng như là sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Bệnh tuy trầm trọng, nhưng không phải là không có giải pháp. Điều cần thiết là người bệnh phải kế hoạch điều trị: tự chịu trách nhiệm, theo đuổi chế độ ăn, học tập nhiều nhất có thể về bệnh ĐTĐ, tin tưởng vào đội ngũ chuyên môn, tự đo đường máu, làm các xét nghiệm đầy đủ khi bác sĩ yêu cầu. Có làm được như vậy, người bệnh sẽ có được những suy nghĩ “tích cực” với bệnh mình đang được chữa trị. Đôi khi người bệnh có những suy nghĩ sai lầm khi cho rằng nhiệm vụ của bác sĩ là “phải” giữ cho mình được khỏe mạnh. Bên cạnh đó, những suy nghĩ về bệnh tật nghiêm trọng, việc điều trị chỉ vô ích hay người bệnh không thể theo đuổi được kế hoạch điều trị đã vạch ra, không thể thay đổi lối sống cho phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại, không có thời gian đi khám bệnh, không muốn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè… Lại chính là những suy nghĩ tiêu cực, cản trở người bệnh tiếp cận với cách thức điều trị bệnh hiện đại. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với bản thân người bệnh vì ĐTĐ có thể gây ra nhiều biến chứng, nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, theo các phương pháp mới có thể cải thiện được tình trạng bệnh. Chính vì vậy, nếu người bệnh cảm thấy không có khả năng đương đầu tốt với bệnh ĐTĐ, luôn có tâm trạng lo lắng, bơ vơ, cô đơn thì bản thân người bệnh nên tự hỏi lý do nào dẫn đến suy nghĩ đó. Có phải bạn nghĩ mình không đủ khỏe mạnh? Không đủ trí lực? Không được đào tạo đủ để tự chịu trách nhiệm chăm sóc bản thân (như tự tiêm insulin)? Không tự trang trải được chi phí điều trị?

Một số mẹo giúp người bệnh thoát khỏi trầm cảm

Người bệnh ĐTĐ cần duy trì chế độ điều trị trong mọi hoàn cảnh.

Mỗi bệnh nhân có những hoàn cảnh riêng biệt và ứng xử với bệnh hoàn toàn khác nhau. Do đó, người bệnh ĐTĐ nên chấp nhận sớm rằng mình mắc bệnh ĐTĐ và cần điều chỉnh một số hành vi sống, bỏ ngay thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan, duy trì luyện tập thể dục thể thao, tìm hiểu nhiều nhất có thể về bệnh ĐTĐ và việc điều trị bệnh. Tự chịu trách nhiệm chăm sóc cho chính mình. Đặt mục tiêu điều trị, nhưng nên hiểu rằng cần có thời gian để đạt được mục tiêu đó để tránh tâm lý bi quan, chán nản dễ dẫn đến không tuân thủ chế độ điều trị. Chia sẻ cảm xúc với gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh ĐTĐ và tạo điều kiện cho mình thực hiện chế độ ăn cũng như các chế độ điều trị, luyện tập một cách nghiêm ngặt. Hãy linh động và học cách thích ứng cuộc sống với yêu cầu điều trị bởi bệnh có thể có những tiến triển không như mình mong muốn. Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ khi có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, đặc biệt là những tổn thương ở bàn chân để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi. Người bệnh buộc phải thay đổi những hành vi có hại cho kế hoạch điều trị và sống cho đầy đủ cuộc sống của mình, đây cũng là một biện pháp hữu hiệu cải thiện tình trạng bệnh cũng như tâm lý để thoát khỏi trầm cảm khi bị ĐTĐ