Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận có chu kỳ

2019-11-07

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận có chu kỳ

Thận là một cơ quan đảm nhận nhiều chức năng sinh lý quan trọng của cơ thể đặc biệt là đào thải qua nước tiểu các sản phẩm giáng hóa protein tức là các nitơ phi protein như urê, creatinin, acid uric…Mặt khác thận cũng là cơ quan chủ đạo trong việc điều chỉnh cân bằng nước, các chất điện giải như natri, kali, điều chỉnh bằng toan kiềm (ion hydrogen) để duy trì sự hằng định của nội môi. Ngoài ra thận còn sản xuất nhiều nội tố như erythropoietin để tạo hồng cầu chống thiếu máu, sản xuất 1,2,5 dihydrocalciferol để tăng hấp thu calci ở ruột chống loãng xương, gãy xương…

Khi thận tổn thương mạn tính, dù có tổn thương ban đầu là ở cầu thận, ống kẽ hay mạch thận thì cuối cùng cũng dẫn đến suy thận mạn tính. Mức lọc cầu thận cũng sẽ giảm dần rất khó hồi phục. Biện pháp điều trị nội khoa bằng chế độ ăn giảm đạm (UGG) và thuốc men là nhằm ngăn chặn các biện chứng và làm chậm bước tiến của suy thận mạn.

Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 10ml/phút, cretinin máu tăng trên 500nmol/lít thì thận sẽ không còn đủ khả năng đảm nhiệm các chức năng sinh lý quan trọng nói trên. Các sản phẩm giáng hóa, các độc chất nội sinh, ngoại sinh sẽ bị tích tụ trong máu, các rối loạn về chuyển hóa muối, nước, toan kiềm sẽ ngày càng trầm trọng mà các biện pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả. Bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu ngoài thận để cơ thể khỏi lâm vào tình trạng nhiễm độc toàn thân mà lâm sàng gọi là “Hội chứng urê máu cao” và tử vong.

Ở giai đoạn này thì việc dinh dưỡng bệnh nhân có khác với khi còn điều trị bảo tồn nhưng cũng rất quan trọng vì lọc máu nhân tạo chỉ giải quyết được một số rối loạn cơ bản. Nếu không có chế độ ăn uống hợp lý thì bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng, chóng suy tim, chất lượng sống bị giảm sút.

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN LỌC MÁU NGOÀI THẬN CÓ CHU KỲ

Khi đã chuyển bệnh sang điều trị bằng lọc máu có chu kỳ thì urê creatinin, acid uric máu và một số nitơ phi protein khác sẽ được giảm xuống đến mức an toàn sau chu kì lọc. Natri, kali, nước cũng được điều chỉnh tốt; pH máu có thể trở về bình thường. Bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, ăn ngon hơn và ăn khỏe hơn và khỏe dần ra.

Tuy nhiên, do chức năng thận đã suy nặng, những ngày sau chu kì lọc máu, urê, creatinin máu lại tăng, nội mô lại bị rối loạn, nhiều ít là do chế độ ăn uống của bệnh nhân. Do đó không thể bệnh ăn uống một cách tự do, không tính toán mặc dầu có được lọc máu có chu kỳ.

Trước hết phải thấy rằng khi đã lọc máu ngoài thận chu kỳ thì sớm muộn bệnh nhân sẽ đái ít, thậm chí vô hiệu. Hai quả thận sẽ trở thành vô chức năng.

Trong kỳ lọc máu các ion như natri, kali, hydrogen được điều chỉnh tốt nhưng những ngày không lọc máu mà bệnh nhân thiểu niệu, vô hiệu thì rất dễ bị tăng kali máu do đó không thể để bệnh nhân ăn quá nhiều rau, quả chín được. Đối với nước và natri cũng vậy. Nếu để bệnh nhân ăn quá mặn, quá nhiều mì chính thì cơ thể sẽ bị tích natri, ứ nước, tăng thể tích tuần hoàn, phù, tăng huyết áp. Thêm vào đó bệnh nhân lại bị thiếu máu trường diễn do suy thận mạn tính, bị tạo lỗ thông động tĩnh mạch (Cimino-Brescia fistulae) gây tăng thêm cung lượng tim. Tất cả những yếu tố đó đều là tác nhân gây dày thất trái, giãn thất trái rồi suy tim toàn bộ. Mặc dù urê máu có giảm nhờ lọc máu nhưng chất lượng sống cuộc bệnh nhân có suy tim sẽ không tốt và cuối cùng là tử vong sớm.

Mặt khác qua lọc máu bệnh nhân cũng mất một số protein, một số yếu tố vi lượng qua màng lọc thận nhân tạo, qua màng bụng. Lọc màng bụng chu kỳ kiểu CAPD) mỗi ngày bệnh nhân có thể mất từ 6-8g protein. Lọc thận nhân tạo lượng protein mất ít hơn, khoảng 3-4g/mỗi chu kỳ lọc. Như vậy đối với bệnh nhân lọc máu chu kỳ nếu có dùng chế độ ăn giàu đạm như  trong điều trị bảo tồn thì chắc chắn cân bằng nitơ sẽ bị âm tính. Bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu đạm. Ngược lại nếu cho ăn quá nhiều protein, ăn tự do thì mức urê máu những ngày trước lọc máu tăng cao. Bệnh nhân sẽ kém thoải mái, chán ăn vì vẫn ở trong tình trạng urê máu cao.

Do đó ở bệnh nhân có lọc máu chu kỳ thì chế độ ăn uống được nâng cao hơn nhưng cần phải bỏ quan niệm không đúng cho rằng lọc máu ngoài thận thì được ăn uống tự do, tùy ý.

Tuy nhiên khác với trong điều trị bảo tồn dùng chế độ UGG, giảm đạm, giàu năng lượng, đủ vitamin thì ở bệnh nhân lọc máu ngoài thận chu kỳ phải đảm bảo 5 nguyên tắc sau đây:

  • Đủ đạm, nhiều đạm hơn người bình thường. Người bình thường cần 1g/kg/ngày thì bệnh nhân lọc máu ngoài thận cần 1,2-1,4g/kg/ngày.
  • Đảm bảo 50% trở lên đạm động vật, giàu acid amin thiết yếu bao gồm trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua…
  • Đủ năng lượng, ít nhất là 35 Kcal/ngày.
  • Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng khác.
  • Ít nước, ít natri – ít kali – giàu calci- ít phosphat.
  • Điều chỉnh nhu cầu theo diễn biến lâm sàng.

GS. TS Nguyễn Văn Xang (http://viendinhduong.vn/)