HỘI CHỨNG CỔ VAI CÁNH TAY

2023-04-06

I. ĐẠI CƯƠNG

- Hội chứng cổ vai cánh tay là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.

- Hội chứng cổ vai cánh tay (Đau dây thần kinh cánh tay) được xếp vào phạm vi chứng tý của Y học cổ truyền.

II. TRIỆU CHỨNG

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và một bên tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và  vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.

III. NGUYÊN NHÂN VÀ CHẨN ĐOÁN

-Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng đau cổ vai cánh tay là thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

-Theo YHCT thì nguyên nhân gây bệnh có thể chia làm 3 nhóm nguyên nhân chính là: phong hàn, khí trệ huyết ứ, can thận hư

-Hội chứng cổ vai cánh tay có thể được chẩn đoán chính xác bằng các xét nghiệm cận lâm sàng như: Chụp X-quang  thường quy,chụp cộng hưởng từ,chụp cắt lớp vi tính,…

IV. ĐIỀU TRỊ

1.Y học hiện đại:

1.1.  Điều trị không dùng thuốc

- Thay đổi lối sống, sinh hoạt

- Có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu để điều trị đau cổ vai gáy cánh tay như sử dụng liệu pháp nhiệt, kích thích điện,kéo giãn, xoa bóp,...

1.2. Điều trị dùng thuốc

- Có thể sử dụng các thuốc như :paracetamol, thuốc giảm đau dạng phối hợp, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc tăng cường truyền dẫn thần kinh...

1.3. Điều trị ngoại khoa

Chỉ định ngoại khoa được đưa ra khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả

2. Y học cổ truyền:

2.1. Phương pháp dùng thuốc: tùy theo thể bệnh mà có phương thuốc đối pháp lập phương hoặc cổ phương phù hợp.

2.2. Phương pháp không dùng thuốc: điện châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, cứu ngải, cấy chỉ.

V. PHÒNG BỆNH

- Cần duy trì tư thế đầu và cổ thích hợp trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể thao, tránh những tư thế ngồi, tư thế làm việc gây gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ quá mức kéo dài, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, chú ý tư thế ngồi và ghế ngồi thích hợp.

- Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.

- Điều trị nội khoa bảo tồn có hiệu quả trong 80-90% trường hợp, nếu có bất cứ dấu hiệu gợi ý nào liên quan đến bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN


Tin tức liên quan