BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HƯNG YÊN CẤP CỨU THÀNH CÔNG CA PHẢN VỆ NGUY KỊCH

2021-04-02

 Phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong do suy hô hấp và tuần hoàn nếu không được chẩn đoán và xử trí cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng của phản vệ rất đa dạng và phong phú, biểu hiện trên nhiều cơ quan hệ thống: da, niêm mạc (mày đay, đỏ da, phù quincke), tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa lỏng), thần kinh (kích thích, co giật, hôn mê), hô hấp (khó thở, thở rít, phù nề thanh quản, hạ họng), tuần hoàn (rối loạn nhịp tim, tăng hoặc tụt huyết áp, ngừng tim). Các triệu chứng này có thể xuất hiện nhanh, ngay lập tức, hoặc 30 phút đến vài giờ sau khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên (như: thuốc, nọc côn trùng, thực phẩm...).

           Khoa Cấp Cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp phản vệ, trong đó nguyên nhân do tự ý dùng thuốc chiếm đa số. Chúng tôi mô tả 1 ca lâm sàng điển hình:

          Người bệnh Lê Thị D 61 tuổi, địa chỉ: Thiện Phiến – Tiên Lữ - Hưng Yên, nhập viện hồi 13 giờ 47 phút ngày 25/03/2021. Người bệnh vào khoa trong tình trạng: Mất ý thức, tím toàn thân, thở ngáp 5 lần/phút, tim rời rạc không đều khoảng 40 ck/ph, đồng tử đường kính 2 mm. Qua khai thác, người nhà cho biết, người bệnh có tiền sử hen phế quản, cấp cứu phản vệ 2 năm trước tại trạm y tế xã. Ba ngày nay người bệnh có biểu hiện khó thở nhẹ, có lúc thở cò cử, tự xịt Ventolin và uống Medrol thấy hết khó thở. Bệnh nhân bị đau lưng, trước vào viện 2 giờ 30 phút người bệnh tự ý uống 2 viên thuốc FEPARAC (thành phần Paracetamol và Ibuprofen). Sau uống thuốc 2 giờ xuất hiện thở rít, choáng váng, tiểu không tự chủ. Ở nhà chưa điều trị gì, trên đường vào viện người bệnh mất ý thức, tím tái. Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi xác định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch đe dọa tử vong. Người bệnh được kiểm soát hô hấp bằng bóp bóng Ambu oxy 15 lít/phút, tiêm Adrenalin 0,3 mg tĩnh mạch, thiết lập đường truyền tĩnh mạch duy trì Adrenalin liều 0,05 mcg/kg/ph, truyền dịch và tiêm Methylprednisolon, Dimedrol. Sau cấp cứu 15 phút, tri giác người bệnh cải thiện Glasgow 12 điểm, huyết áp 150/70- mmHg, nhịp tim 115 ck/ph, SPO2 100%, nhịp thở 24 lần/phút, hai bên phổi rì rào phế nang rõ, không có ran rít. Người bệnh được thở Oxy kính mũi 5 lít/phút, duy trì Adrenalin điều chỉnh theo huyết áp và truyền dịch. Sau 8 giờ điều trị, người bệnh ổn định, cắt Adrenalin và dừng thở Oxy. Bệnh nhân ra viện sau 5 ngày điều trị.

        *  Một số khuyến cáo:

- Không được tự ý dùng thuốc: Khi bị bệnh cần phải đi đến bác sĩ khám và được chỉ định thuốc.

- Khi kê đơn thuốc và dùng thuốc cho người bệnh, nhân viên y tế cần khai thác rõ tiền sử bệnh dị ứng, đặc biệt tiền sử dị ứng với các thuốc mà người bệnh đã từng bị dị ứng trong quá khứ.

- Phản vệ có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Vì vậy khi dùng thuốc mà người bệnh có các biểu hiện với các triệu chứng của phản vệ đã nêu ở trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

                          KHOA CẤP CỨU- BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HƯNG YÊN


Tin tức liên quan