Cứu sống bệnh nhân ho ra máu do giãn vỡ động mạch phế quản bằng phương pháp can thiệp nút mạch cầm máu dưới DSA.

2021-08-09

         Bệnh nhân Bùi Thị Q (85 tuổi) ở xã Liên Phương, Thành Phố Hưng Yên nhập viện trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn đột ngột mỗi lần nhiều có thể lên tới 200 ml. Sau khi các Bác sỹ lâm sáng khám, cho bệnh nhân chụp X-quang, nội soi mũi họng, nội soi dạ dày  chưa tím được nguyên nhân. Bệnh nhân được đưa đi chụp cắt lớp vi tính 64 dãy dựng hình mạch máu phát hiện thấy tổn thương thùy dưới phổi trái kèm hình ảnh giãn động mạch phế quản trái. Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn với bác sỹ chẩn đoán hình ảnh và quyết định chuyển bệnh nhân sang phòng can thiệp để chụp mạch máu bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Kết quả phát hiện động mạch phế quản phổi trái giãn tương ứng với vùng nhu mô phổi tổn thương có chỉ định can thiệp nút mạch cầm máu.

Kết quả chụp mạch chụp DSA hình ảnh động mạch phế quản giãn ngày 17/04/2021 trước và sau nút mạch. Động mạch phế quản trái giãn tắc hoàn toàn sau nút.

          Đây cũng là hướng đi mới của chuyên ngành điện quang hiện nay, đó là đưa vào sử dụng các thiết bị vừa có khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác, vừa có khả năng can thiệp điều trị xâm lấn tối thiểu cho người bệnh.

          Kĩ thuật điện quang can thiệp bằng DSA là kĩ thuật xâm lấn tối thiểu, các hình ảnh về mạch máu được xử lí rõ nét và phóng đại lên, giúp các bác sĩ có hình ảnh chính xác để đánh giá tổn thương và can thiệp hiệu quả. Với phương pháp này, bệnh nhân không phải phẫu thuật, không phải gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ, vì thế hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp, giảm bớt nguy cơ tai biến trong gây mê và hồi sức sau phẫu thuật.

          Theo các bác sĩ, bệnh lí ho máu thường có nhiều nguyên nhân như: Bệnh ung thư phế quản phổi, Giãn phế quản – phế nang, Lao phổi,  Nấm phổi, Giãn động mạch phế quản, Tắc động mạch phổi,  Áp xe phổi, Viêm phổi, dị vật đường hô hấp dưới rồi bệnh lí phổi bẩm sinh… Nguyên nhân ho máu do giãn động mạch phế quản cũng khá thường gặp.

           Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ho máu tuy nhiên phương pháp nút mạch cầm máu dưới DSA có ưu thế vượt trội hơn hẳn, đó là các bác sĩ sẽ luồn một ống thông rất nhỏ (chỉ khoảng 1 milimet) trực tiếp vào vị trí mở đường động mạch đùi sau đó luồn lên động mạch chủ vào động mạch phế quản giãn tương ứng vùng tổn thương tiến hành chụp chẩn đoán và điều trị nút mạch. Vật liệu được sử dụng có thể là các hạt nhựa vi cầu, Coil, keo sinh học hay Spongel( vật liệu cẩm máu tạm thời).. cắt đi nguồn chảy máu trong nhu mô phổi, việc chảy máu sẽ được ngắt đi ngay lập tức và như vậy sẽ giảm đi nguy cơ xâm lấn của các cục máu đông vào lòng phế quản. Nhờ đó mà hiệu quả can thiệp tức thì.

          Bệnh lí ho máu do giãn động mạch phế quản. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời, ho máu sẽ khiến máu tràn vào đường hô hấp, máu đông sẽ bít kín đường thở khiến họ ngạt thở và tử vong; mặt khác nếu không kịp thời ngắt được vị trí gây chảy máu sẽ khiến cơ thể người bệnh suy kiệt do mất máu quá nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo với người bệnh, nếu đã bị ho ra máu, cho dù ho máu số lượng ít hay nhiều đều nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

                                                                         KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

BS Nguyễn Cảnh Quân – Trưởng nhóm can thiệp khoa CĐHA – BVĐK Hưng Yên


Tin tức liên quan