TỰ HÀO NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HƯNG YÊN
2022-10-26Ngành Điều dưỡng nước ta xuất hiện muộn hơn so với các nước khác trên thế giới. Trải dài suốt quá trình lịch sử, đất nước ta xuất hiện nhiều danh y nổi tiếng như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh… Trong thời gian dài kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đất nước ta có nhiều Giáo sư, bác sĩ nổi tiếng thế giới như: Giáo sư Hồ Đắc Di, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Đặng Văn Ngữ hay Giáo Sư Tôn Thất Tùng …Trong các cuộc kháng chiến với số lượng người bị thương ngày càng nhiều khiến các Bác sĩ không thể làm hết các công việc. Chính vì vậy, những lớp đào tạo sơ khai ngành Điều dưỡng bắt đầu được hình thành, đào tạo ra đội ngũ y tá phụ giúp bác sĩ trong công việc chăm sóc người bệnh, chăm sóc bộ đội, thương, bệnh binh.
Kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2 (1946 – 1954) cho đến cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước Đế quốc Mỹ (1954 – 1975), Đảng và nhà nước ta mới thực sự quan tâm hơn về ngành Điều dưỡng. Sau khi đất nước được thống nhất vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngành Điều dưỡng càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Vậy, Ngày Điều dưỡng Việt Nam ra đời khi nào?
Với sự ra đời đầu tiên của Hội Điều dưỡng Hà Nội và Quảng Ninh năm 1989, thúc đẩy sự ra đời hội Điều dưỡng ở các tỉnh khác cũng như đặt yêu cầu về một hội Điều dưỡng có quy mô toàn quốc. Ngày 26 tháng 10 năm 1990, Chính phủ thông qua quyết định thành lập Hội Điều dưỡng – Y tá Việt Nam. Kể từ đó, ngày 26 tháng 10 hàng năm được coi là ngày Điều dưỡng Việt Nam.
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam đầu tiên là bà Vi Thị Nguyệt Hồ. Bà Nguyệt Hồ chính là vợ của viện sĩ, giáo sư, bác sĩ nổi tiếng Tôn Thất Tùng. Xuyên suốt 22 năm trên cương vị của mình, bà là niềm tự hào của ngành Điều dưỡng Việt Nam, là tấm gương sáng trong sự tận tụy, nhiệt huyết và say mê với nghề. Bà chính là người đi đầu và phát triển trong hệ thống Điều dưỡng Việt Nam, từng nhận rất nhiều Huân chương kháng chiến, giải thưởng cống hiện trọn đời, thầy thuốc ưu tú,…
Niềm tự hào người điều dưỡng bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên. Là bệnh viện được coi là người anh cả trong ngành Y tế tỉnh. Với sự nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nên không chỉ đòi hỏi chất lượng cao từ đội ngũ bác sĩ mà đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ của mình. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám đốc bệnh viện, Điều dưỡng bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên luôn hướng tới sự toàn diện cả về trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Điều dưỡng chúng tôi luôn được tạo điều kiện về mọi mặt như trao đổi chuyên môn với các bệnh viện lớn tuyến trên Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương… thông qua phòng Chỉ đạo tuyến, phòng Điều dưỡng. Các lớp đào tạo được tuyến trên mở ra Ban lãnh đạo bệnh viện luôn chú trọng cử cán bộ nhân viên đi tham dự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn hay cử Điều dưỡng viên đi học tại các trường Đại học để hoàn thiện trình độ hội nhập với khu vực. Với công việc thường ngày của mình, điều dưỡng chúng tôi là thực hiện đúng, đủ các y lệnh, các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh. Để làm tốt công tác chăm sóc người bệnh thì sự thấu hiểu nỗi đau từ bệnh tật, sự cảm thông về hoàn cảnh hay tâm tư tình cảm của người bệnh. Là người gần gũi, thường xuyên bên người bệnh người điều dưỡng luôn xem người bệnh như người thân, người nhà của chính mình và lấy việc chăm sóc toàn diện người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm từ đó làm cho người bệnh an tâm, tin tưởng hơn trong quá trình điều trị.
Đặc biệt trong công tác phòng chống bệnh dịch như dịch COVID-19, cúm A-B… thời gian qua, dưới sự kêu gọi của ngành, với tình thương yêu đồng bào, nhiều lượt cán bộ y tế bao gồm cả điều dưỡng chúng tôi sẵn sàng tham gia các đợt tình nguyện công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, các tỉnh miền nam đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với bác sĩ và nhân viên y tế từng bước đẩy lùi bệnh dịch.
Để đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn ngày càng cao, người điều dưỡng cần tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn, tham gia các hội thi và tích cực nghiên cứu khoa học, cập nhật các kiến thức mới về các kỹ năng chăm sóc sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao... từ đó, hoàn thiện mình hơn. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mỗi cán bộ cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Đồng thời thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn đạo đức của điều dưỡng viên, hộ sinh, kỹ thuật viên phục vụ người bệnh toàn diện hơn.
Trong quá trình công tác, chúng tôi – những điều dưỡng viên nhận ra rằng ở trường học chỉ dạy cho ta những kiến thức về nghề y nhưng khi đi làm việc áp dụng nó vào thực tiễn công việc của mình không hề dễ. Ngoài việc thực hành các quy trình kỹ thuật chúng tôi còn phải rèn luyện nhiều đức tính cần thiết cho công việc của mình: kiên nhẫn, cần cù, chịu được áp lực công việc… đồng thời phải tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp biết yêu thương, lắng nghe chia sẻ giúp đỡ người bệnh. Mỗi người bệnh đến với chúng ta đều mang trong mình những nỗi đau, sợ hãi, lo lắng hoặc bực bội… nhưng trước những người bệnh khó tính đến mức nào chúng ta cũng sẽ tìm được phương hướng giải quyết đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh. Nhiều khi gặp những khó khăn tưởng chừng gục ngã, không tìm được phương hướng trong công việc nhưng nghĩ đến ước mơ của mình cùng bao cố gắng trước đây, chúng tôi không cho phép bản thân mình từ bỏ. Đôi khi nhận được những lời khen ngợi, động viên từ người bệnh, chúng tôi cảm thấy thật ấm áp, tràn ngập tình người, đầy hy vọng đó cũng chính là món quà quý giá mà chúng tôi muốn nhận được. Trong công việc, chúng tôi đã chứng kiến biết bao người bệnh xuất viện trong niềm vui, phấn khởi. Nhưng đâu đấy cũng có những giọt nước mắt, nỗi đau của những gia đình mất đi người thân. Chúng tôi - những điều dưỡng viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên luôn tự nhủ rằng mình cần cố gắng hơn nữa để có thể chăm sóc người bệnh tốt hơn, có thể sẻ chia làm giảm phần nào nỗi đau của người bệnh và chúng tôi luôn tin tưởng rằng mình đã lựa chọn đúng nghề và luôn tự hào vì mình là điều dưỡng.