QUẶM MI

2023-06-29

QUẶM MI

Quặm mi xảy ra khi bờ mi cuộn vào phía bên trong mắt, khiến lông mi cọ xát vào mắt gây mẩn đỏ, kích ứng và trầy xước giác mạc. Quặm mi có thể gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi gây khó chịu cho bệnh nhân cả về mặt thẩm mỹ và sinh hoạt hàng ngày.

         Quặm mi nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ bị viêm kết mạc hoặc nặng hơn là viêm loét giác mạc, thậm chí là mất thị lực do làm hỏng giác mạc.

1. Triệu chứng của lông mi bị quặm

Lông mi bị quặm (tên tiếng Anh là trichiasis) có thể xảy ra ở một vài lông mi, nhưng dần dần sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả lông mi dẫn đến các triệu chứng như:

- Bị kích thích do cảm thấy có vật gì đó trong mắt

- Đỏ mắt

- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng

- Chảy nước mắt

- Ngứa hoặc đau mắt...

2. Nguyên nhân dẫn đến quặm mi:

    Các nguyên nhân phổ biến gây quặm mi bao gồm:

  • Quặm mi bẩm sinh: là hiện tượng bờ mi lộn vào trong đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc, do khuyết tật cấu trúc của sụn mi, tăng sản cơ vòng mi và lớp da gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh tiến triển ngày càng nặng nếu không điều trị, gây viêm loét giác mạc để lại sẹo, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
  • Quặm mi do tuổi già: đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra do lão hóa, khiến các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo. Lông mi bị quặp vào trong gây ngứa, khó chịu, đỏ mắt, chảy nước mắt...
  • Quặm mi do co thắt: thường xảy ra ở mi dưới. Người bệnh bị sang chấn sau phẫu thuật hoặc bị ở mắt có thể bị co thắt mi mạn tính, nheo mắt kéo dài khiến bờ mi cuộn vào trong gây bệnh quặm mi.
  • Quặm mi do sẹo: là biến chứng của bệnh về kết mạc và sụn mi như bệnh mắt hột, hội chứng Steven-Johnson, bỏng hóa chất, bệnh Pemphigut mắt...

3. Mức độ quặm mi:

Để dễ dàng nhất cho chẩn đoán mức độ quặm mi và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp thì có thể dựa vào các cách chia độ sau:

- Mức độ I: quặm mi chiếm 1/4 chiều dài bờ mi.

- Mức độ II: quặm mi chiếm 1/3 chiều dài bờ mi.

- Mức độ III: quặm mi chiếm 1/2 chiều dài bờ mi.

- Mức độ IV : quặm mi chiếm 2/3 chiều dài bờ mi.

    Ngoài ra có thể chia độ tính bằng da mi thừa:

       -  Mức độ I: thừa khoảng ≤ 2mm da mi.

             - Mức độ II: thừa khoảng 3mm da mi.

             - Mức độ III: thừa khoảng ≥ 3mm da mi.

4. Phương pháp điều trị quặm mi:

4.1  -  Nội khoa: sử dụng các dung dịch bôi trơn tra vào mắt.

Trường hợp quặm mi nhẹ, chỉ có vài lông xiêu và chưa có biến chứng có thể đốt điện, áp lạnh hoặc laser. Tuy nhiên, các phương pháp này thường hiệu quả không cao, hay tái phát nên phải làm nhiều lần.

    4.2 -  Ngoại khoa: muốn điều trị triệt để phải can thiệp bằng phẫu thuật.

KHOA CHUYÊN KHOA