SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN

2023-08-08

SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN

 

I. SUY GIÃN TĨNH MẠCH LÀ GÌ?

     Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mà hệ thống tĩnh mạch bị suy giảm chức năng dẫn đến các tĩnh mạch bị giãn ra và có hiện tượng ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch dẫn đến các biểu hiện suy giãn tĩnh mạch với các mức độ khác nhau.

    Suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân là do máu ở tĩnh mạch chân phải di chuyển ngược trọng lực và trải qua quãng đường dài nhất để trở về tim so với các nơi khác.

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch chân bao gồm:

- Phải đứng/ ngồi trong thời gian dài ( có thể do nghề nghiệp yêu cầu đứng/ ngồi thời gian dài như nhân viên văn phòng, nhân viên bán hang, thu ngân, bảo vệ… ).

- Lối sống thụ động ( ít tập thể dục, hay ngồi/nằm một chỗ, ít vận động ,…)

- Tiền sử gia đình có suy giãn tĩnh mạch hoặc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Mang thai và sinh đẻ, đặc biệt phụ nữ đã sinh nhiều lần.

- Thừa cân: BMI từ 25 đến < 30: thừa cân

                   BMI ≥ 30: béo phì

- Lớn tuổi : trên 50 tuổi.

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN?

    Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có thể bao gồm các triệu chứng:

- Cảm giác nặng chân.

- Cảm giác đau nhức chân, nóng rát, chuột rút, tăng nhiều vào cuối ngày.

- Sưng bàn chân hoặc mắt cá chân.

- Tĩnh mạch nông nổi lên dưới da có dạng xoắn hoặc màu xanh.

- Da khô, ngứa hoặc mỏng da ở vùng tĩnh mạch bị suy giãn.

III. SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN CÓ THỂ GÂY RA CÁC BIẾN CHỨNG NGHIÊM TRỌNG NHƯ:

- Loét dinh dưỡng: những vết loét hình thành trên da gần các tĩnh mạch bị giãn, đặc biệt là gần khu vực mắt cá chân. Do đó, bạn nên chú ý các bất thường về màu da và đến bệnh viện kiểm tra khi có nghi ngờ.

-  Huyết khối: Các tĩnh mạch sâu trong chân có thể bị phì đại khiến chân sưng đau. Tình trạng này nếu kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh huyết khối ( hình thành cục máu đông ) và cần được hỗ trợ y tế.

- Chảy máu (xuất huyết): Các tĩnh mạch suy giãn ở gần bề mặt da có thể vỡ ra và gây xuất huyết. 

IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ:

1. Thay đổi lối sống: là một trong các biện pháp có thể giúp bạn giảm đi những triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch.

 - Luyện tập thể dục, có một lối sống năng động.

- Giữ cân nặng hợp lý.

- Tránh đứng hoặc ngồi trong một thờ gian dài, nên di chuyển mỗi 30 phút.

- Kê cao chân khi nằm nghỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho máu trở về tim.

2. Vớ / tất y khoa: được thiết kế để tạo ra áp lực ở các tĩnh mạch chân giúp cải thiện lưu thong máu, giảm đau, khó chịu và phù nề ở chân.

3. Biện pháp dùng thuốc: các thuốc trợ tĩnh mạch có thể được sử dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch và suy giãn tĩnh mạch mạn tính. Cơ chế hoạt động chính của các thuốc là giúp tăng trương lực và tăng tính thẩm thấu của tĩnh mạch.

4. Can thiệp nội tĩnh mạch.

- Tiêm xơ: để thực hiện thủ thuật này bác sỹ tiêm vào tĩnh mạch giãn một dung dịch tạo bọt giúp hình thành mô sẹo và đóng các tĩnh mạch bị giãn.

- Can thiệp bằng laser hoặc sóng cao tần: dùng nhiệt lượng phóng thích laser/ sóng cao tần để phá hủy tĩnh mạch bị giãn.

5. Phẫu thuật: nếu các phương pháp điều trị nội khoa không phù hợp với bạn, bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ tĩnh mạch bị giãn.

 

                                                                     KHOA KHÁM BỆNH