HƯỚNG DẪN CẤP CỨU ĐUỐI NƯỚC TẠI CỘNG ĐỒNG

2022-07-05

Mùa hè là thời điểm khoa chúng tôi thường tiếp nhận và cấp cứu trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên hầu hết trẻ vào viện trong tình trạng đã ngừng thở, ngừng tim và tư vong, một phần là do trẻ không được cấp cứu tại chỗ kịp thời và đúng cách. Việc cấp cứu để duy trì tuần hoàn, hô hấp ngay khi trẻ được đưa lên bờ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Vì vậy hôm nay chúng tôi xin hướng dẫn các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước tại cộng đồng, đây là các biện pháp đơn giản, không cần các trang thiết bị y tế, ai cũng có thể áp dụng được. Chúng ta thực hiện các bước sau;

Bước 1: Đưa trẻ đến nơi an toàn sớm nhất có thể và goị người hỗ trợ: đặt trẻ nằm trên nền phẳng, gọi “ Mọi người ơi, đến giúp tôi, có trẻ bị đuối nước”. Cách đưa trẻ bị đuối nước vào bờ: Người cứu hộ vòng 1 tay ra trước ngực trẻ, ôm lấy trẻ, để đầu trẻ trên mặt nước rồi đưa trẻ lên bờ.

Bước 2: Đánh giá tình trạng trẻ, xem trẻ có tỉnh không: Hỏi “ Cháu có bị làm sao không”, với trẻ nhỏ vỗ vào vai.

Nếu trẻ tỉnh, còn ho được: đặt trẻ nằm ngiêng, trẻ ho để tống nước từ phổi ra ngoài, trẻ nôn để đẩy nước từ dạ dày ra ngoài rồi đưa trẻ tới viện.

Nếu trẻ bất tỉnh, không có phản ứng gì, xem trẻ còn thở không ( trong 10 giây): Quỳ gối bên cạnh trẻ, bộc lộ ngực trẻ. Tai mình áp sát vào mũi và miệng trẻ để cảm nhận xem trẻ có thở không, mặt quay xuống quan sát ngực trẻ xem có di động không.

   + Nếu trẻ còn thở: đặt trẻ nằm nghiêng, dùng khăn lấy bỏ dị vật trong miệng trẻ rôi đưa trẻ đến viện.

   + Nếu trẻ ngừng thở: đặt trẻ ở tư thế an toàn ( để dòng khí ra vào phổi được thuận lơi): Với trẻ nhỏ < 2 tuổi, tư thế đầu, cổ, ngực nằm trên một đường thẳng. Với trẻ lớn > 2 tuổi, tư thế nâng cằm, đẩy trán về sau. Khai thông đường thở: dùng khăn lấy dị vật trong miệng trẻ. Tiến hành hồi sinh tim phổi ngay cho trẻ.

Bước 3: Hôì sinh tim phổi

Ép tim ngoài lồng ngực: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực 30 lần ( Vị trí giữa ngực ½ dưới xương ức, tay thẳng đứng vuông góc với ngực trẻ, lực ép sao cho ngực trẻ nún sâu 1/3 bề dày thành ngực, ép liên tục khoảng 100-120 l/ph, chờ ngực phồng lên mới ép nhát tiếp theo, tùy theo độ tuổi của trẻ mà người cấp cứu dùng 2 ngón tay, 1 tay hay 2 tay để ép tim).

Hô hấp nhân tạo: tiến hành thổi ngạt 2 lần ( Với trẻ lớn lấy tay bịt mũi trẻ, dùng miệng hít sâu rồi thổi vào miệng trẻ, với trẻ nhỏ thổi vào cả miệng và mũi trẻ). Thực hiện liên tục 4-5 chu kỳ ép tim/ thổi nghạt sau 1 phút đánh giá lại xem trẻ có tự thở không.  Nếu trẻ không thở, tiếp tục cấp cứu hồi sinh tim phổi cho tới khi trẻ thở lại hoặc có nhân viên y tế đến. Nếu trẻ thở lại, đặt trẻ tư thế nằm nghiêng và đưa trẻ tới viện.

Những điều cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước: Không vác trẻ chạy lòng vòng hoặc dốc ngược trẻ rồi rung lắc để đẩy nước ra ngoài. Vì làm vậy chỉ đẩy nước trong dạ dày ra ngoài( không đẩy được nước từ trong phổi), trẻ có thể hít vào phổi gây sặc.

Những cách phòng tránh đuối nước đối với trẻ nhỏ:

Khi trẻ đi bơi phải có người lớn đi cùng, giám sát trẻ thường xuyên.

Những gia đình có trẻ nhỏ không nên để lu nước, thùng nước, bể nước. Nếu có phải đậy nắp kín để trẻ không tự mở nắp ra được.

Những gia đình có ao, hồ nên có tường rào kín xung quanh. Không cho trẻ chơi một mình gần ao hồ.

                                                                                               Khoa cấp cứu