PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

2022-10-10

1. Dây chằng chéo trước là gì?

Khớp gối là một trong những khớp lớn của cơ thể, giữ chức năng quan trọng trong việc đi lại của chi dưới. Cử động chủ yếu là gập và  duỗi gối.

Để khớp gối được giữ vững cần có một hệ thống dây chằng, bao khớp, tổ chức sụn chêm cũng như hệ thống cơ bọc quanh khớp gối. Trong đó, dây chằng chéo trước đóng vai trò giữ cho xương chày không bị trượt quá xa ra phía trước so với trục của thân xương đùi và giúp chống lại sự xoay trong của xương chày đối với xương đùi.

2. Nguyên nhân gây tổn thương dây chằng chéo trước.

- Do vận động, đi lại quá mạnh gây xoắn vặn  

- Do các loại chấn thương thể thao hay có thể là tai nạn giao thông đã làm tổn thương dây chằng chéo trước.

3. Tái tạo dây chằng chéo trước.

Là phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất hiện nay đối với những bệnh nhân tổn thương dây chằng chéo trước, phương pháp này ít gây đau đớn cho bệnh nhân, thời gian phẫu thuật và hồi phục sau đó tương đối ngắn. Tuy nhiên, để có thể đi lại một cách dễ dàng hơn thì bệnh nhân cần được tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh biến chứng teo cơ, cứng khớp và hạn chế chức năng sinh hoạt, di chuyển.

4. Triệu chứng.

- Đau, sưng  tại khớp gối

- Khớp gối mất vững, cử động khớp gối đau tăng và  không hết tầm

5. Cận lâm sàng:  MRI khớp gối thấy hình ảnh tổn thương

6. Phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước.

6.1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng.

-  Cần phục hồi chức năng sớm ngay sau phẫu thuật giúp khớp gối nhanh chóng lấy lại được tầm vận động, hồi phục lực cơ, tránh teo cơ.

6.2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng.

6.2.1. Tuần đầu sau phẫu thuật

- Tập di động xương bánh chè

- Mang nẹp đùi cẳng chân cố định sau mổ: tập dạng và khép chân, tập nâng toàn bộ chân lên khỏi mặt giường, tập vận động cổ chân trong nẹp.

- Tập co cơ tĩnh trong nẹp: tập gồng cơ đùi, cơ cẳng bàn chân

- Tháo nẹp ngày 3-4 lần, tập gấp duỗi gối chủ động có trợ giúp, gấp gối <600

- Đeo nẹp liên tục cả ngày và đêm, kê cao chân phẫu thuật khi nằm nghỉ.

- Sau 24h bệnh nhân có thể tập ngồi, tập đứng dậy tỳ nhẹ xuống chân đau với trọng lượng bằng 50% trọng lượng cơ thể.

- Sử dụng 2 nạng nách trợ giúp.

- Những ngày sau bệnh nhân tập vận động chủ động có kháng trở các khớp tự do tại chân phẫu thuật.

- Bệnh nhân đi lại, sử dụng 2 nạng nách trợ giúp.

6.2.2. Tuần thứ 2 sau phẫu thuật

- Có thể gấp gối đến 90 độ.

- Chịu trọng lượng trên chân phẫu thuật, cường độ tăng dần đến 100% trọng lượng.

- Nếu khớp gối sưng đau tăng lên, ngưng tập, chườm lạnh khớp gối.

- Mang nẹp cố định gối 4 tuần.Sử dụng nạng nách 4-6 tuần.

- Sang tuần thứ 2: Khớp gối phải được duỗi hoàn toàn, gối phải gấp được 90 độ, sức cơ tứ đầu đùi phải đủ mạnh.

6.2.3. Từ tuần thứ 3

- Tăng cường tập vận động thụ động gối gấp dần tối đa đến 120 độ.

- Tăng cường tập nâng chân, tập gấp duỗi gối chủ động tư thế ngồi (chưa có lực cản) để tăng sức cơ tứ đầu đùi.

- Tập đứng dồn 100% trọng lượng lên chân phẫu thuật.

- Tập đạp xe đạp tại chỗ không có lực cản.

- Tập sức cơ tứ đầu đùi bằng cách dùng lực cản ở cẳng chân khi khớp gối duỗi dần từ 90 đến 60 độ.

* Sau phẫu thuật 4 tuần phải đạt: tầm vận động khớp gối là 120 độ và có thể đứng được trên chân phẫu thuật với toàn bộ trọng lượng cơ thể.

6.2.4. Từ tuần thứ 5

- Tập gấp gối tích cực hơn để tăng tầm vận động của khớp.

- Tập nhún đùi (xuống tấn) trong giới hạn khớp gối duỗi dần từ 90 đến 40 độ và ngược lại, tốc độ tăng dần theo thời gian.

- Tập bước lên và bước xuống một bậc thang.

- Tập sức mạnh cơ đùi bằng cách tập nâng đùi với tạ hoặc bao cát hoặc chun khi khớp gối gấp 90 độ với trọng lượng tăng dần.

- Day mềm sẹo mổ, tập di động xương bánh chè.

6.2.5. Từ tuần thứ 7

- Tăng cường các bài tập trên để đạt được biên độ gấp duỗi khớp gối thụ động bình thường.

- Bỏ nẹp, tập đi bộ tích cực và tập dáng đi bình thường.

- Tập bước lên và bước xuống đến 2-3 bậc thang.

- Tập nhún đùi với tầm vận động gấp duỗi gối tăng lên và tốc độ tăng dần.

- Tập chạy trên đường bằng phẳng.

Sau tuần thứ 7, KTV sẽ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh các bài tập có thể  tập tại nhà, không cần đến bệnh viện, chỉ khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi thấy bất thường.

7. Các điều trị khác.

- Thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề

- Kết hợp vật lý trị liệu như điện phân thuốc, điện xung từ tuần thứ 2 sau phẫu thuật

- Sử dụng các dụng cụ trợ giúp như: nạng, gậy, dây chun, tạ.

Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ Kỹ thuật viên lâu năm có kinh nghiệm, trong tập luyện, phục hồi chức năng sau phẫu thuật chấn thương tái tạo dây chằng chéo trước, góp phần phục hồi chức năng sinh hoạt và chức năng di chuyển cho người bệnh.

                                                                                                                                      Khoa Phục hồi chức năng