RĂNG SỐ 8 – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
2021-08-24Răng số 8 hay còn được gọi là răng khôn, là chiếc răng thứ 8 tính từ răng cửa. Răng khôn thường mọc ở độ tuổi từ 17 – 25 tuổi, trưởng thành muộn nhất trong hàm răng.
Mỗi người thường có 4 chiếc răng khôn, 2 cái mọc ở hàm trên và 2 cái mọc ở hàm dưới. Vì chúng mọc sau cùng nên người trưởng thành mới có đủ 32 chiếc răng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà chỉ mọc 1, 2 hoặc 3 chiếc răng khôn. Thậm chí có cả những người không có chiếc răng khôn nào.
Hình ảnh răng số 8 mọc lệch
1. Khi nào nên nhổ răng hàm số 8?
- Khi việc mọc răng hàm số 8 gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
- Khi răng hàm số 8 mọc lệch chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng hàm số 8 và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng hàm số 8 để ngăn ngừa biến chứng.
- Răng hàm số 8 mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng hàm số 8 trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng hàm số 8 và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
- Răng hàm số 8 mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng hàm số 8 bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
- Bản thân răng hàm số 8 có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.
- Nhổ răng hàm số 8 để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng hàm số 8 là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.
2. Khi nào nên để lại răng hàm số 8 không nhổ?
- Không phải tất cả răng hàm số 8 cần phải nhổ. Một chiếc răng hàm số 8 mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể được giữ lại miễn là bệnh nhân dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.
- Bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu…
- Răng hàm số 8 liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện.
3. Những phương pháp nhổ răng khôn hiện có
- Phương pháp nhổ răng khôn bằng kìm, bẩy.
- Phương pháp nhổ răng bằng sóng siêu âm Piezotome.
4. Sau khi nhổ răng:
- Cắn chặt bông gòn trong vòng 30 – 45 phút hoặc lâu hơn nữa.
- Chế độ ăn uống: Trong khoảng 2-3 ngày đầu sau nhổ răng khôn tốt nhất hạn chế các loại kẹo ngọt, thực phẩm cứng dai, có tính nóng, tránh sử dụng các loại gia vị cay nóng giúp thời gian lành thương diễn ra nhanh hơn. Nên ăn các loại thức ăn mềm lỏng như cháo, súp có xay nhuyễn thịt, cá.
- Chăm sóc răng miệng: Việc chăm sóc vệ sinh răng miệng có ý nghĩa quyết định đến thời gian lành thương của vết nhổ. Việc chải răng vẫn cần duy trì đều đặn 2-3 lần/ngày với bàn chải lông mềm tránh vùng mới nhổ răng. Không chọc các vật nhọn như tăm hoặc dùng tay tác động vào chỗ răng vừa nhổ dễ làm cho vết thương viêm nhiễm, lâu lành hơn.
- Chế độ nghỉ ngơi: Sau khi nhổ răng nên dành ra cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý lấy lại sức, tránh làm việc quá nặng hoặc chơi thể thao quá sức (trong vòng 24 giờ đầu) rất dễ tác động đến vùng răng vừa nhổ, có thể gây va chạm làm vết thương khó lành.
- Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm theo đơn của bác sĩ.
Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên với trình độ kĩ thuật cao, cùng với trang thiết bị hiện đại đã phẫu thuật thành công rất nhiều ca răng số 8 lệch,khó mà không gây biến chứng, người bệnh phục hồi tốt và nhanh chóng.
KHOA CHUYÊN KHOA