VIÊM AMIDAN MẠN TÍNH

2021-04-19

Amidan là tổ chức bạch huyết thuộc vòng Waldayer, ở vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở được ví như những “Người lính canh gác và bảo vệ” ban đầu của đường hô hấp.

Viêm amidan có thể gặp ở mọi lứa tuổi tuy nhiên hay gặp ở trẻ nhỏ, thiếu niên, người suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn nên dễ bị mắc bệnh nhất.

1. Viêm amidan mạn tính là gì?

Viêm amidan mạn tính là tình trạng nhiễm trùng Amidan trong thời gian dài và tái diễn nhiều lần trong năm của amidan khẩu cái.

2. Nguyên nhân của viêm amidan:

- Vi khuẩn: có thể là tụ cầu, liên cầu…

- Virus: cúm, adenovirus, papainfluenza…

* Yếu tố thuận lợi:

- Sức đề kháng của cơ thể suy giảm, tạng bạch thể.

- Người đã, đang mắc các bệnh đường hô hấp: cúm, sởi…

- Ô nhiễm môi trường, điều kiện vệ sinh kém.

- Bị lạnh: uống nước lạnh, ăn kem, bia lạnh..,thời tiết thay đổi đột ngột.

- Ăn nhiều đồ cay,hút thuốc lá ,uống rượu bia.

- Các ổ viêm nhiễm gần:viêm VA,viêm mũi xoang…

- Do cấu tạo amidan nhiều khe hốc vi sinh vật dễ trú ẩn và gây bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm amidan:

Viêm amidan mạn tính triệu chứng khá ít, có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống một viêm amidan cấp tính.

Chủ yếu dựa vào triệu chứng tại chỗ như:

- Thường có cảm giác vướng ở họng.

- Hơi thở thường xuyên hôi dù làm vệ sinh răng miệng đều.

- Ho: thỉnh thoảng có ho, thường ho khan và khàn tiếng.

- Trẻ em có khò khè, ngủ ngáy, thậm chí có cơn ngừng thở khi ngủ với những trường hợp amidan quá phát nhiều.

Ở trẻ em viêm amidan nhiều lần là nguyên nhân gây các bệnh đường hô hấp hay rối loạn khác như: biếng ăn, chậm phát triển trí tuệ.

- Thể trạng có thể gầy yếu, da xanh.

* Viêm amidan mạn tính có thể được chia làm 3 thể:

-  Viêm amidan hốc mủ:

Khi bị người bệnh thấy đau họng, hôi miệng do trên bề mặt amidan xuất hiện cục mủ trắng.

Hình ảnh Viêm Amidan hốc mủ

  • Viêm amidan thể quá phát:

Amidan sưng to và đỏ, tuỳ theo mức độ quá phát có thể gây tình trạng ngủ ngáy hoặc cơn ngừng thở khi ngủ, phổ biến ở trẻ em.

Hình ảnh Viêm Amidan thể quá phát

 

  • Viêm amidan thể xơ teo: Thường gặp ở người lớn.

Amidan nhỏ bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ, bị viêm nhiều lần, có mủ hôi ở các góc của amidan.

Hình ảnh Viêm amidan thể xơ teo

4. Cách điều trị viêm amidan mạn tính:

Với viêm amidan mạn tính thì phẫu thuật cắt amidan là rất phổ biến. Tuy nhiên phải có chỉ định chặt chẽ, cần được cân nhắc chu đáo sau quá trình thăm khám, theo dõi toàn diện người bệnh của bác sỹ chuyên ngành tai mũi họng.

* Các kỹ thuật cắt amidan:

- Trước đây: phẫu thuật gây tê cắt amidan bằng anse hoặc sluder.

- Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật như: phẫu thuật gây mê bằng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực, dao plasma, laser, coblater ...

Hiện nay ngoài cắt amidan bằng dao điện đơn cực thì khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên là một trong những đơn vị triển khai công nghệ plasma phẫu thuật cắt amidan. Đây là kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, an toàn, ít xâm lấn, mau phục hồi được giới chuyên môn ưu tiên do:

  • Hạn chế tổn thương mô xung quanh nhờ mức độ nhiệt phù hợp không gây bỏng.
  • Ít đau đớn, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh.
  • Thời gian phẫu thuật nhanh, dao vừa cắt vừa đốt và cầm máu đồng thời trong khi mổ, giảm thiểu tối đa nguy cơ chảy máu.

       Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên đã phẫu thuật thành công rất nhiều ca amidan cho bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau mà không gây biến chứng, người bệnh hồi phục tốt và nhanh chóng quay lại với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Hình ảnh ca Phẫu thuật Amidan tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên

5.Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân viêm amidan:

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày.

- Giữ ấm vùng mũi họng: hạn chế ăn uống đồ lạnh,hạn chế ăn đồ cay nóng.

- Nếu mắc bệnh đường hô hấp: viêm họng,viêm thanh quản… cần điều trị dứt điểm.

- Không để không khí quá khô.

- Không nên nói quá to, quá nhiều.

                                                                                                KHOA TAI MŨI HỌNG